Thực trạng tình hình thiếu I ốt hiện nay tại Việt Nam

Thực trạng tình hình thiếu I ốt hiện nay tại Việt Nam

I ốt là vi chất dinh dưỡng cần thiết cho sự tổng hợp hormon tuyến giáp (T3 và T4). Các hormon này đóng vai trò quan trọng trong các quá trình chuyển hóa của cơ thể, đặc biệt quan trọng là giai đoạn hình thành và phát triển hệ thần kinh trung ương từ giai đoạn bào thai đến trẻ nhỏ. Do vậy, thiếu I ốt gây ra nhiều hậu quả khác nhau tùy theo từng giai đoạn phát triển của cơ thể. Bướu cổ là mức độ nhẹ nhất của các rối loạn do thiếu I ốt (CRLTI), các mức độ nặng hơn, phổ biến hơn nhưng chúng ta khó nhận biết được đó là suy giáp, giảm trí thông minh, đần độn. Người phụ nữ mang thai nếu bị thiếu I ốt con sinh ra có nguy cơ cao bị suy giáp, giảm trí thông minh và nặng hơn là đần độn.

I ốt nằm trong đất lớp vỏ bề mặt của trái đât. Do mưa lũ, đất bề mặt (có chứa I ốt ) bị bào mòn cuốn trôi ra biển. Trải qua hàng nghìn năm, tại những khu vực bì bào mòn nhiều không còn I ốt nữa. Cây sống tại khu vực thiếu I ốt cũng sẽ bị thiếu I ốt. Động vật ăn thực vật thiếu I ốt, uống nước thiếu I ốt cũng bị thiếu I ốt. Do vậy, con người sống ở khu vực thiếu I ốt cũng bị thiếu I ốt do thực phẩm ăn vào bị thiếu I ốt.

Có nhiều biện pháp phòng chống thiếu i-ốt, một trong những biện pháp đó là bổ sung i-ốt vào muối ăn. Các nghiên cứu trong và ngoài nuớc đều cho thấy : đây là biện pháp phòng bệnh có hiệu quả nhất, đơn giản nhất và chi phí thấp nhất. Việc bổ sung i-ốt phải diễn ra thường xuyên đều đặn hàng ngày, trong suốt cả đời người.

            Trên thế giới, các kết quả điều tra cho thấy hiện nay có khoảng 2,2 tỷ người sống trong khu vực bị thiếu i-ốt. Khu vực thiếu i-ốt không chỉ là những vùng núi cao như Hymalayas, Alpes mà còn cả những khu vực thấp như lục địa Châu Phi, phía đông của Châu Âu…

Việt Nam là quốc gia nằm trong khu vực bị thiếu i-ốt. Điều tra quốc gia đầu tiên về tình trạng thiếu i-ốt năm 1993 cho thấy: tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8-12 tuổi là 22%, mức trung vị i-ốt niệu là 32 mcg/l (mức khuyến cáo không bị thiếu i-ốt của Tổ chức Y tế thế giới là mức trung vị i-ốt niệu 100 mcg/l). Như vây, 94% người dân Việt Nam sống trong vùng bị thiếu i-ốt. Thiếu i-ốt không chỉ ở miền núi mà còn có cả ở đồng bằng và ven biển.

            Trước thực trạng thiếu I ốt đó, ngày 2/11/1993 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 481/QĐ-TTg về việc “Vận động toàn dân mua và sử dụng muối i-ốt” nhằm khuyến khích người dân sử dụng muối i-ốt để phòng chống CRLTI, bảo vệ sức khỏe và trí tuệ của giống nòi. Chính vì vậy, để tuyên truyền công tác phòng chống CRLTI, hàng năm Bộ Y tế lấy ngày 2/11 là ngày toàn dân đi mua và sử dụng muối I ốt.

            Năm 2005, được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; sự phối hợp, hỗ trợ của các Bộ/ngành, của Chính quyền các cấp, các Tổ chức quốc tế như UNICEF, CEMUBAC… Bộ Y tế đã chỉ đạo thực hiện hoàn thành mục tiêu thanh toán tình trạng thiếu hụt i-ốt tại Việt Nam của Chương trình quốc gia phòng chống CRLTI và được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Các mục tiêu thanh toán tình trạng thiếu i-ốt chúng ta đã đạt được theo tiêu chuẩn quốc tế:

1) Tỷ lệ bao phủ muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh tại hộ gia đình đạt  từ 90% trở lên (thực tế Việt nam đã đạt : 93,1%)

2) Mức i-ốt niệu trung vị đạt từ 100 mcg/L trở lên (thực tế Việt nam đã đạt : 122 mcg/L)

3) Tỷ lệ bướu cổ ở trẻ em từ 8 đến 10 tuổi phải thấp hơn 5% (thực tế Việt nam đã đạt : 3,6%)

Tuy nhiên, sau khi hoàn thành mục tiêu thanh toán tình trạng thiếu i-ốt, Chương trình quốc gia phòng chống các rối loạn thiếu i ốt đã trở thành hoạt động thường xuyên của Bộ Y tế. Nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động phòng chống CRLTI là duy trì bền vững kết quả đã đạt được. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan tình trạng thiếu I ốt đã quay trở lại nước ta.

Các điều tra của Bệnh viện Nội tiết TW dưới sự giúp đỡ của UNICEF năm 2008 – 2009 đã cho thấy tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối i ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh toàn quốc giảm xuống còn 69.5%, mức trung vị i ốt niệu chỉ còn 83 mcg/l. Điều tra tỷ lệ bướu cổ học sinh 8-10 tuổi toàn quốc năm 2013-2014 cho thấy tỷ lệ bướu cổ là 9,8%; mức trung vị i ốt niệu là 84 mcg/l. Đây thực sự là những con số hết sức báo động về tình hình thiếu hụt i ốt tại Việt Nam hiện nay.

Để khắc phục nguy cơ thiếu hụt i-ốt quay trở lại, duy trì kết quả đạt được năm 2005, Bộ Y tế đã chấp thuận đưa Chương trình phòng chống CRLTI từ hoạt động thường xuyên của Bộ Y tế vào Chương trình Mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 – 2020 báo cáo Chính phủ. Ngày 31/7/2017 Thủ tướng ký Quyết định 1125/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Chương trình Mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2016 – 2020, trong đó Dự án Phòng chống CRLTI.

Ngày 28 tháng 1 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 09/2016/NĐ-CP Quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Nghị định quy định rõ muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong  chế biến thực phẩm bắt buộc phải bổ sung i ốt. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để chúng ta có thể đạt và duy trì bền vững kết quả thanh toán CRLTI mà chúng ta đã đạt được năm 2005.

Đối với mỗi người dân chúng ta, để phòng chống CRLTI, chúng ta hãy sử dụng muối I ốt, các gia vị mặn có bổ sung I ốt như bột canh I ốt, bột nêm I ôt hàng ngày.

Chat với dr Dương