Cảm nghĩ về bài nói của Giáo Sư Osama Hamdy

Chuyên mục: Rối Loạn Chuyển Hóa Khác Viết bởi Super User

Tại Hội thảo các chuyên gia hàng đầu Việt Nam về đái tháo đường do Công ty ABBOTT tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, Giáo sư Osama Hamdy đến từ Đại học Y khoa Harvard đã trình bày các nghiên cứu tại Hoa Kỳ với chủ đề “Can thiệp thay đổi lối sống trong quản lý bệnh đái tháo đường”.

Bài nói của GS. Hamdy đề cập đến hiệu quả can thiệp thay đổi lối sống trong đó có chế độ dinh dưỡng điều trị bổ sung chế độ dinh dưỡng chuyên biệt. Tuy nhiên, GS. Hamdy đã nói đến nhiều vấn đề rất đáng quan tâm. Tôi thật sự tâm đắc với bài nói của Giáo sư vì tôi vừa là bác sỹ điều trị vừa là bác sỹ dinh dưỡng lâm sàng nên trong thực hành lâm sàng có những vấn đề nẩy sinh cũng như hơi khác so với guideline hướng dẫn điều trị bệnh, tôi có thể tóm tắt như sau (bài viết theo quan điểm cá nhân của tôi):

  1. Khỏi bệnh ĐTĐ?: Một số bệnh nhân (hầu hết là trẻ) sau khi điều chỉnh chế độ ăn, tập luyện đã dần không sử dụng thuốc trong nhiều năm nay (đến thời điểm hiện nay), tôi thường giải thích là bệnh ổn định. Tuy nhiên, GS. Hamdy sau khi dẫn chứng bệnh nhân của GS đã đưa ra khái niệm “Khỏi bệnh ĐTĐ”. Đây là lần đầu tiên tôi được nghe một chuyên gia hàng đầu thế giới nói những từ này. Có lẽ vấn đề còn phải kiểm chứng nhiều nhưng thực sự đó là sự động viên khích lệ rất lớn bác sỹ dinh dưỡng lâm sàng cũng như người bệnh.
  2. Quan điểm sử dụng thuốc: Giáo sư cho rằng, hiện nay, trên lâm sàng các bác sỹ chỉ tập trung vào kiểm soát HbA1C. Các Guideline hướng dẫn đều nhấn mạnh nếu không kiểm soát được bằng thay đổi lối sống thì bắt đầu dùng thuốc, nếu không đạt lại tiếp tục phối hợp thuốc sao cho đạt mục tiêu. Giáo sư nhấn mạnh thay đổi lối sống là nền tảng của điều trị. Tất cả các thuốc đều có tác dụng phụ. Mục tiêu của điều trị nên tập trung vào giảm cân (chủ yếu giảm mỡ nội tạng) bằng thay đổi lối sống (con đường tự nhiên) như vậy giảm thuốc điều trị, hạn chế tác dụng phụ của thuốc, chất lượng cuộc sống được cải thiện theo hướng tốt hơn so với tăng thuốc điều trị.
  3. Tập luyện: Các Guideline hướng dẫn khuyến cáo tập luyện ưa khí (như đi bộ, đạp xe, bơi…) ít nhất 30 phút mỗi ngày, đạt 150 phút/tuần, nếu tập đối kháng thì 2 buổi/tuần. Tác dụng tập luyện là rõ. Tuy nhiên, tôi luôn khuyến cáo bệnh nhân duy trì tập hàng ngày và tập đối kháng kết hợp với tập luyện dẻo dai. Bản thân tôi cũng là người tập gym hàng ngày nên tôi nhận thấy nếu không duy trì tập liên tục (đều đặn hàng ngày), chỉ tập ngắt quãng là có rất nhiều lý do để ngừng tập. Mặt khác trong tập luyện cần phải tập sức mạnh, đối kháng thì mới tăng cường được cơ bắp, giảm mỡ bụng (tất nhiên tập đối kháng tùy theo tình trạng sức khỏe, tuổi) vì tuổi càng tăng thì cơ vân xu hướng mất đi và tăng tổ chức mỡ. Giáo sư Hamdy đã nhấn mạnh cần tập luyện hàng ngày vì như vậy sẽ tạo thành thói quen và người bệnh mới duy trì bền vững được. Theo Giáo sư, nếu chỉ đi bộ thì ngoài giảm mỡ còn kèm theo mất cơ vân. Do vậy, nên tập phối hợp với tập luyện đối kháng như vậy vừa đạt được giảm mỡ vừa duy trì và tăng khối cơ vân. Đây thực sự là điều người bệnh đặc biệt người có tuổi cần lưu ý khi tập luyện.

Trên đây là một số vấn đề tôi thực sự tâm đắc trong bài nói của Giáo sư Hamdy và mong muốn chia sẻ cùng các đồng nghiệp và những bệnh ĐTĐ cũng như những người đang thực hành dinh dưỡng, tập luyện để phòng bệnh ĐTĐ.

                                                                                        Hà Nộingày 10/3/2018

                                                                                                TS. Phan Hướng Dương